TẬP THƠ - "Đừng Làm ĐAU Người THƯƠNG"
(Thơ DẠ THY: TÌNH, NHÂN SINH và ĐỜI)
Con người có muôn vàn lối để đến với thơ: Vui - thơ, buồn - thơ, đau khổ - thơ, hạnh phúc - thơ... Tựu trung lại, ta có thể hiểu thơ đi vào đời sống tinh thần, vô hình trở thành phương tiện giúp con người truyền tải (hoặc) gửi gắm tâm tình một cách hữu nghiệm. Tôi bước vào thơ của Dạ Thy như một lãng khách tự do với những cung bậc cảm mến vần thơ đầy trắc ẩn, thăng trầm, khi thì ngạo ngông - điều này có vẻ hơi trái ngược với bản chất ôn nhu của phái đẹp, nhưng là đặc trưng rất riêng trong thơ Dạ Thy và cũng có lúc vô cùng yếu đuối của một tâm hồn thi nữ... hội tụ trong tuyển tập "Đừng Làm ĐAU Người THƯƠNG". Ngay từ tựa đề của thi tập, tôi đã mơ hồ cảm nhận đây sẽ là thi phẩm hứa hẹn có chiều sâu và da diết, khắc khoải, đau đáu trần tình… Con đường đến với thơ Dạ Thy quả thật gập ghềnh, bối cảnh cũng như tâm tình chuyển hóa xuyên suốt quá trình tôi đọc và cảm nhận. Điều đó khiến tôi như lạc vào thế giới nội tâm của tác giả... nghiệm thưởng thế giới ấy đầy cảm xúc cao trào và dậy sóng, rồi lại lắng sâu đến độ không dò được thâm ý...!
Với 45 bài thơ, chủ yếu ở hai thể lục bát và ngũ ngôn (gồm 31 bài lục bát, 12 bài ngũ ngôn và 2 bài tự do), tập thơ “Đừng Làm ĐAU Người THƯƠNG” đã tạo ra một đặc trưng rất riêng trong thơ Dạ Thy. Thể thơ 5 chữ mang âm hưởng mộc mạc, tinh giản mà dễ cảm thụ… được tác giả vận dụng như một cách để nàng nói chuyện, bộc bạch, truy vấn dồn dập “đối tượng” (hoặc) độc thoại với “chính mình” trong thơ khiến người đọc bị cuốn theo cái hối hả ấy (đơn cử bài: Mẹ cha là biển cả, Tay anh sao đủ rộng?, Dựa dẫm). Còn thể thơ lục bát, tôi xin điểm qua một chút bởi tôi nhận ra đây chính là “phương tiện” đóng vai trò chủ đạo để Dạ Thy bùng nổ với những cảm xúc trong thi tập của mình. Lục bát hầu như là thể thơ độc nhất được sử dụng trong kho tàng ca dao đồ sộ của dân tộc. Loại thơ có vần điệu dễ thuộc, dễ đi vào lòng người. Ngày trước, ông Ngô Thời Nhiệm đã từng hãnh diện tuyên bố “nước ta xứng đáng gọi là một nước thơ”. Chắc chắn rằng nước thơ này sẽ không hiện diện nếu thiếu sự tồn tại của thơ lục bát trong dòng văn học của dân tộc. Nhà thơ Nguyễn Duy đã từng đặt bút viết nên câu: “ta đi trọn kiếp con người, cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”. Có điều lục bát trong thơ Dạ Thy rất đời, rất thực tế chứ không còn là dân ca như thể truyền thống. Chính điều này đã tạo nên được phong cách rất riêng trong thơ nàng.
Đọc trọn vẹn tập thơ của Dạ Thy, ta sẽ cảm nhận được cá tính thơ của tác giả rất bản năng, táo tợn, khác biệt... được thể hiện qua những ngôn ngữ như lạ như quen, làm người đọc phải ngờ ngợ rồi mới có thể định hình điều nàng truyền tải.
“Giá như gặp, chẳng li tan,
Ta đâu đến nối ngập tràn khổ đau.
Giá như xé được ngực lau,
Ta chùi cọ kĩ loang màu nhớ thương.”
(Giá như)
Nàng thiên về tư tưởng bản thể hơn bất cứ sự bay bổng nào của nghệ thuật, cái đó ta có thể gọi là tự do tính linh trong thơ Dạ Thy. Phần lớn trong các bài thơ, là sự giằng xé giữa hai trạng thái: Bản ngã và tâm hồn. "Cái tôi" trổ lên thơ nàng những nhánh thi ý đầy tự tôn, bất cần, ngạo mạn.
“DỰA ngực lên bờ QUÊN,
DẪM ngay vào góc NHỚ,
Ta nhìn ta tráo trở,
Bày đặt KHÔN nên LƯỜNG.”
(Dựa dẫm)
Nhưng sự yếu đuối đến khờ dại, đau đáu, bi ai xuất phát từ tâm hồn khao khát yêu thương và hạnh phúc lại kéo nàng về với biết bao trở trăn, suy tư, dằn vặt... làm “cái tôi” ấy trở nên cô độc đến nao lòng người đọc.
“Nhớ bỗng dậy trở mình,
Anh tan… trong vô hình,
Đâu rồi… khách viễn chinh?
Em gầy trong điêu linh.”
(Dựa dẫm)
Ta thấy thấp thoáng cuộc chiến của hai trạng thái “cái tôi” và “tình cảm” trong một con người đầy bản năng, cá tính. Nàng như đánh trận tâm lý bằng chữ, bằng trạng thái ngôn ngữ có “loạn” có “điên” nhưng thực chất là TỈNH trong loạn mới có đủ nhận thức được thế cục cuộc đời, cuộc tình như thế.
“Một mình một cõi vô biên
Lộng hành tự tác chẳng phiền đến vui.
(Chốn đây chẳng phải Địa đàng)
Thời gian hãy chết lâm sàng
Cho tôi nín thở, ngưng tràn nhớ nhung
Làm sao gắn cái phụ tùng?
Để khi mắt mỏi, nổ bùng con ngươi
(Thời gian hãy chết lâm sàng)
Biết là cuộc tình nghiệt,
Vẫn dã tâm mà yêu,
Biết đau khổ sẽ nhiều,
Vẫn dốc lòng ra đợi.
(Rủ đau về tá túc)
Không biết nàng ngẫu nhiên mà tạo nên hiệu ứng (hay) có dụng ý của thủ pháp ngôn ngữ, nhưng nàng đã thành công trong việc thu hút sự “chạm” của độc giả vào thơ nàng. Thơ Dạ Thy nếu nghiền ngẫm để nhìn sâu vào góc khuất của tâm lý, cảm xúc, mưu cầu của con người, ta sẽ thấy nàng đang nói lên nỗi lòng của nhân sinh trong cõi tạm – nơi mà người ta đang dần mất đi rất nhiều nhận thức lành mạnh chỉ vì cuộc đời đầy lên điều giả dối, bon chen, toan tính, tù túng... Và nàng – viết những câu thơ “dậy sóng” như tự hóa mình thành “sứ giả” đòi lại cái công bằng, xán lạn, tốt đẹp cho kiếp người. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không phủ nhận những mặt thiện lương, tươi sáng, nhân văn để mà lấy làm hi vọng, yêu đời… nhưng trong chừng mực nào đó, Dạ Thy chọn nhìn sâu vào những cái “ngược lại” để thể hiện tư tưởng, nàng như moi móc đến cùng những cái bi ai của thực trạng đời sống xã hội và bản chất người phàm tục… Thơ của nàng, thoạt đọc ta thấy bàng hoàng, thậm chí kinh hãi bởi nàng sử dụng rất nhiều từ ngữ bạo liệt, bất bình về cái đời, cái đau đớn của kiếp người, của tình yêu... nhưng không thể phủ nhận được ẩn sâu thẳm tận cùng cái “ngông” đó là một tâm hồn tha thiết kiếm tìm ánh sáng của chân lý. Nàng viết có nhân sinh, có đời, có tình... cho dù là theo hướng bi trầm gần như tuyệt đối, thì sự bao quát vô thường một cách chân thực ấy vẫn khiến tác phẩm của nàng khuếch tán rộng rãi hàm nghĩa, khá phong phú ngữ ý...
Thơ Dạ Thy là cái gì đó rất độc đáo đến quái lạ. Vâng! Tôi phải sử dụng đến cảm thái ấy, bởi nàng quả can đảm khi dám phá cách chất liệu thi ý đến độ khác thường. Thực đến bong tróc từng ngóc ngách cảm xúc, bóc trần trụi nhân sinh ra để phơi bày mọi góc khuất. Với các câu thơ lạ lẫm mà đau lòng nhân thế: “Chạy tiền mua chút từ bi/ Góp gom sắp đủ, sân si vấp vào/ Bán vàng mua chút thanh cao/ Phong trần cướp giật, tiền đào đâu mua?” (Chợ đời). Và những câu thơ dành cho thế gian, nhân sinh suy ngẫm sự đời: “Rồi đem cất hết con người/ Để cho nhân thế khỏi cười khỏi đau/ Kiếm xe ta chở địa cầu/ Tìm nơi thăm thẳm vực sâu ta vùi” (Thời gian hãy chết lâm sàng). Thơ nàng luôn thể hiện nỗi đau, nỗi đau ấy không chỉ dành cho đời, cho thế nhân mà cho cả tình ta trong đó: “Ta ôm đêm khư khư/ Sợ giật mình trở giấc/ Anh không là sự thật/ Trổ buồn lên nhánh đau” (Dựa dẫm)
Tác giả thể hiện thơ đa dạng về suy tưởng, liên hệ với nhiều diện mạo ngôn ngữ, ép phê tâm não người đọc vào cả những cái vô hình... nên ở đó, không chỉ đời, thế nhân, tình mà cả tâm linh cũng bị nàng soi rọi thấu tỏ.
“Thinh không mất hết trí khôn,
Hùa đêm tĩnh mịch, cất ồn ào đi.
Rợn người cái lạnh âm ti,
Sân si rớt... độp, từ bi điếng hồn!
Điêu linh bỗng bật mồ chôn,
Đa mang rên rỉ khóc cồn cào đau.
Thỉnh cầu khổ hạnh qua mau,
Cúi xin một chút nhiệm màu hiển linh.”
(Sân si rớt... độp, từ bi điếng hồn!)
Không chỉ triết lý nhân sinh, mà tác giả còn có tình thương bao la với đời, với người. Thấu cảm những hài nhi mà cha mẹ không muốn cho con chào đời. Một nỗi đau cùng cực bi ai, chỉ biết tin vào cõi tâm linh nhiệm màu, và chờ mong mẫu ân vô lượng của người mẹ. Hãy cố gắng vượt qua cơ cực cuộc đời, để dòng lệ kia mang đến tình yêu thương bất tận.
“Tự dưng lệ chảy hai hàng
Chảy tràn xuống ngực, chảy lan bụng mình
Vuốt ve nhè nhẹ sinh linh
Nuốt vào cơ cực, nuôi hình hài con!”
(Nuốt vào cơ cực, nuôi hình hài con!)
Không chỉ vẫy vùng trong ý niệm bản thể, mà trong thơ nàng còn biết cảm thông, vị tha, có đức hi sinh cũng quả là vĩ đại. Vẫn biết rằng hạnh phúc mong manh, mà dòng đời thì ngang trái. Ta vẫn vì con mà cố khâu đan vá víu cái cuộc đời rách nát. Bồ hòn sao ngọt, sao ngon? Nhưng vì con nó vẫn ngọt ngon anh à!
“Biết rằng hạnh phúc mong manh,
Em đan vá víu cho lành vì con.
Nuốt như nuốt quả bồ hòn,
Đắng đâu mà đắng, ngọt ngon anh à!”
(Đắng đâu mà đắng, ngọt ngon anh à!)
Còn tình yêu thì sao, có ai đã từng như thế? Ném người yêu lên cao xanh để bóng dáng anh mất hút vào mênh mông, để anh biến tan khỏi tầm nhìn, để trái tim nhận về nhung nhớ vô tận... rồi dội lại ngọt lành yêu thương trong tự huyễn? Anh vẫn đó! Dù có ném ra cả vũ trụ thì hình ảnh, sự tồn tại của anh vẫn ngự trị nơi tâm khảm nên dù cố gỡ anh ra khỏi vấn vương, thì cảm xúc vẫn như lưới nhện nhằng nhịt, lòng ngổn ngang tơ vò về một tình yêu mắc kẹt... hoang đường...
“Ta ném anh
Lên cao xanh
Nhớ nhung dội lại... ngọt lành yêu thương
Ta gỡ anh
Khỏi vấn vương
Yêu thương mắc kẹt hoang đường nơi em”
(Hạt thương hạt nhớ nhú cây nảy mầm)
Rồi sự đấu tranh giành giật giữa hai mặt của một con người. Như triết lý nhân sinh, như tổng quan của mỗi cá thể được nhà thơ soi rọi, thấu tỏ. Cái góc khuất, mảng sáng - mảng tối được mở ra. Những mâu thuẫn muôn đời...
“Lâu lâu lộn trái hình hài,
Cho ta thấy được một vài xấu xa.
Ngoài là NGƯỜI, trong là MA,
Hai con một xác đâm ra bất bình”
(Lâu lâu lộn trái hình hài)
Thế là nàng nghiệm ra rằng. Nhân sinh vô thường lắm. Cuộc đời vốn bạc bẽo, nỗi đau âm ỉ mãi không thôi. Thói đời thì lắm kẻ chua ngoa, tị hiềm ganh ghét. Lòng người thì hiểm sâu khó lường.
“Nhân sinh một cõi vô thường,
Bi thương nhiều quá, thân nương ta bà”
Tôi đặc biệt ấn tượng bởi cái định nghĩa “Đàn bà một kiểu”, khá thú vị và động lòng lương tri con người. Biết người ta tin, biết người ta thương thì đừng làm người ta đau, đừng gây sân hận thêm sâu. Khổ người và đau lòng ta lắm ai ơi? “Ta biết Người nguỵ biện/ Vẫn mặc kệ mà yêu/ Cũng chẳng phải bởi liều/ Tại đàn bà - một kiểu” (Tại đàn bà - một kiểu).
Cái đời, cái thực quẩn quanh trong thơ Dạ Thy làm nỗi đau cũng phiêu linh theo cảm xúc điêu linh nội tại. Nét thiêng liêng có còn tồn tại hay chỉ có cái đê hèn, bon chen xâm lấn ở cõi tục thế? Thôi thì đành: “Ngẩng mặt trời rộng bao la/ Cúi xuống mặt đất, ta bà đón đưa/ Sắc hương đi sớm về trưa/ Úp khôn ngửa khéo cho vừa thế nhân”(Úp khôn, ngửa khéo cho vừa thế nhân).
Mỗi lời thơ là một sự đời. Mỗi bài thơ lại là một số phận. Triết lý đến từng câu chữ. Tôi cũng là người thích triết, thích lý luận, lại thích cả tâm linh, tôn giáo. Tất cả những điều đó đều có trong thơ của Dạ Thy. Thơ nàng không chỉ nổi bật các yếu tố đó, mà đọng lại toàn thể tập thơ là nỗi buồn, nỗi đau nhiều khi lên đến cùng cực. Nỗi đau ấy như là nguồn cảm hứng chủ đạo cho toàn thi tập. Nàng chỉ muốn triết lý cuộc đời, đào sâu vào tận cùng mọi ngóc ngách tâm linh con người. Do đó ta không thể không lắng lại để nhìn sâu vào nội tại ngôn ngữ của tác giả, được thể hiện qua các câu chữ, những tứ thơ khiến người đọc rất cần phải ngẫm nghĩ để thấu suốt tận cùng ngụ ý của tác giả... Trong thế giới thơ phú, có những bài chỉ đọc thoáng qua, ta đã có thể định hình được nội dung và cái hồn tác phẩm, nhưng với thơ của Dạ Thy... điều đó dường như là “bất khả”. Bởi thơ nàng ngoài những ý tứ trực tiếp, còn rất giàu trắc ẩn, sự giấu giếm khá tài tình ẩn ý trong những cái "đời" của ngôn ngữ...
Cái hay, cái đặc biệt của tác giả là nàng viết thơ không theo truyền thống nào. Có chút gì đó mang âm hưởng truyện Kiều của Nguyễn Du, cũng có một chút chất thơ Nguyễn Duy. Nhưng tổng thể thì lại là một dấu ấn riêng, rất riêng biệt. Tuy vậy vẫn có một số hạn chế trong thơ nàng. Trong thơ Dạ Thy ta không thấy nàng sử dụng các kỹ thuật thơ trôi chảy, điêu luyện như các nhà thơ khác. Thơ nàng đời chứ không thiên về nghệ thuật. Và nàng chỉ sử dụng hai thể thơ là lục bát và ngũ ngôn mà không phải là đa dạng nhiều thể loại khác. Cái cách đặt tiêu đề cũng chưa được nàng dụng công. Tôi để ý thấy các tiêu đề thường là một câu thơ trong bài thơ đó. Có thể là câu đầu tiên, câu cuối cùng hoặc ở giữa. Điều này, có lẽ không hẳn là một hạn chế mà có khi lại tạo một phong cách riêng cho tác phẩm của nàng.