Ra đời vào năm 1829, không được đồ sộ cả về dung lượng lẫn hệ thống các sự kiện, nhân vật như những Thằng gù nhà thờ Đức bà Paris hay Những người khốn khổ song Ngày cuối cùng của một tử tù vẫn là tác phẩm hết sức tiêu biểu cho phong cách sáng tác và đặc biệt là tinh thần nhân đạo của nhà văn vĩ đại người Pháp Victor Hugo.
Motif người tử tù trong tiểu thuyết Ngày cuối cùng của một tử tù
Ngày cuối cùng của một tử tù, tựa sách đã hé lộ phần nào nội dung tác phẩm: đây là câu chuyện kể về ngày cuối cùng trước khi bị mang lên máy chém của một phạm nhân khoảng bốn mươi tuổi. Trong thời gian đầu, người tử tù bị giam ở nhà ngục Bicetre. Tại đây, ông đã ghi lại tất cả những gì diễn ra trong hơn năm tuần ông bị giam giữ. Sau đó, ông được chuyển đến nhà ngục la Conciergerie và cuối cùng là từ nhà ngục Conciergerie trước khi tới đoạn đầu đài.Cuốn tiểu thuyết chỉ hơn 100 trang với nội dung gói gọn trọn một ngày nhưng đã chất chứa sức nặng vô hình trong giá trị nội dung lẫn giá trị tư tưởng mà Victor Hugo gửi gắm vào từng câu, từng chữ.
Trước hết, đây là sáng tác mang motif thường thấy ở nhiều tác phẩm khác của Victor Hugo: motif về người tử tù. “Tôi”, cũng như Giăng–van–giăng trong Những người khốn khổ, đều là những kiếp phận bé mọn phải gánh chịu bản án tử hình. Nhưng bởi không được đồ sộ về mặt dung lượng như Những người khốn khổ, không gian lẫn thời gian đều thu hẹp đến mức tối đa: không gian trong ngục tù, thời gian chỉ là 24 tiếng trước giờ hành quyết mà tiểu thuyết Ngày cuối cùng của một tử tù mang một cốt truyện với những tình tiết phát triển nhanh, song hành cùng những dòng nội tâm, tâm trạng đầy day dứt, khắc khoải của một người đàn ông mà thời gian để sống, chỉ còn được tính bằng giờ, bằng phút.
Chính Tiến sĩ Trần Hinh, người hiệu đính và cũng là người viết lời đề từ cho bản tiếng Việt tiểu thuyết Ngày cuối cùng của một tử tù đã phát hiện: “Ngày cuối cùng của một tử tù được kể trong ba mạch truyện chính: mạch thứ nhất từ đầu đến chương 21, được viết ở nhà ngục Bicetre vào đếm trước gần rạng sáng ngày bị kết án; mạch giữa từ chương 22 đến chương 47 viết ở nhà ngục Conciergerie, và mạch thứ ba từ chương 48 đến kết thúc tác phẩm bao gồm các sự kiện cuối cùng”.
Với cốt truyện như vậy và để khắc sâu thêm dòng ý thức của người tử tù trong ngày cuối cùng còn được sống, tác giả Victor Hugo đã sử dụng ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện xưng tôi, điểm nhìn trần thuật được đặt trùng với nhân vật tự sự. “Tôi” ở đây vừa là nhân vật chính, vừa là người kể chuyện nói, viết về chính cuộc đời anh ta. Bởi thế mà, nỗi đau, niềm ham sống tưởng chừng như “hèn mọn” của nhân vật tử tù lại càng trở nên chân thực, sống động.
Và con người đó thật sự là kiểu nhân vật điển hình trong sáng tác của Victor Hugo: mẫu hình nhân vật khốn khổ. Đấy là sự khốn khổ của người tử tù, một kẻ mang thân phận ở tận cùng xã hội; một kẻ đã mất đi nhân quyền, nhân dạng, đến cả tên gọi của ông ta cũng đã bị xóa bỏ. Còn những người xung quanh khi đối diện trước kẻ tử tù chỉ còn 24 giờ để sống thì hoặc thương hại, hoặc sợ hãi, hoặc đề phòng hoặc thậm chí là vui sướng trên nỗi đau của anh ta. Kẻ khốn khổ ấy, đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời, vẫn không được đối xử như một con người trọn vẹn.
Và nhân vật đó, con người đã mất đi nhân tính, nhân dạng đó không chỉ đủ tầm để đại diện cho thế giới nhân vật trong văn nghiệp Victor Hugo mà còn mang đầy đủ phẩm chất những người khốn khổ của nước Pháp thế kỉ XIX. Anh ta chính là nhân vật điển hình trong một hoàn cảnh điển hình: người tử tù chỉ còn 24h để sống.
Trong hoàn cảnh đấy, sự phát triển tâm lí nhân vật đi từ việc sẵn sàng chấp nhận cái chết, thà chết chứ không chịu trở thành tù khổ sai đến việc tìm cách vượt ngục để tìm sự sống và cuối cùng gần như là cầu xin sự sống. Không chỉ vậy, với tâm lí càng gần với cái chết, con người càng có xu hướng nhớ lại quá khứ đã qua mà từng mảng kí ức trở về với “tôi”. Dòng nội tâm, ý thức phát triển hợp lý và đó cũng là tâm lý chung của con người đứng trước đoạn đầu đài, khao khát muốn níu giữ lấy sự sống.
Phong cách nghệ thuật và tinh thần nhân đạo của Victor Hugo trong tiểu thuyết Ngày cuối cùng của một tử tù
Như đã nói, dung lượng tiểu thuyết Ngày cuối cùng của một tử tù chỉ hơn 100 trang nhưng ở đó chất chứa trọn vẹn không chỉ giá trị nội dung, giá trị tư tưởng mà còn cả giá trị nghệ thuật cùng phong cách sáng tác của Victor Hugo: từ cách thức xây dựng cốt truyện, thời gian, không gian nghệ thuật đến việc sử dụng ngôn ngữ, chất hùng biện và lãng mạn của văn học Pháp thế kỷ XIX.Cốt truyện tác phẩm phát triển theo trục thời gian chính trong một ngày, nhưng lồng ghép vào đó là những kỉ niệm, dòng ý thức về quá khứ, về những gì đã qua của nhân vật. Chính bởi thế mà thời gian nghệ thuật của Ngày cuối cùng của một tử tù không hề dễ đoán mà luôn khiến người đọc phải tự hỏi, đây là câu chuyện được viết ở khoảng thời gian nào? Sự giao hòa về thời gian dẫn tới sự đan xen các mảng không gian nghệ thuật trong truyện. Hầu như không gian truyện là cảnh nhà tù nhưng lại luôn liên kết với phần không gian kí ức, kỉ niệm, không gian ngoài nhà lao khi người tử tù được áp giải đến những nơi khác nhau.
Ngoài ra, bằng một dung lượng hầu như chiếm trọn cuốn tiểu thuyết, thời gian giới hạn, co ngắn lại trong một ngày kết hợp cùng không gian tù túng của các phòng giam với tầng tầng lớp lớp bảo vệ đã tạo nên sự tù đọng, bức bối, cảm giác giam hãm, giam cầm cả về thể xác lẫn tinh thần người sắp phải đến đoạn đầu đài. Những dòng ý thức miên man của kẻ sắp từ giã cõi đời được kể qua một chất giọng buồn đau khắc khoải, hi vọng đến tuyệt vọng thật sự khiến độc giả xúc động, đồng cảm. Cùng với đó bằng lời kể trực tiếp qua ngôi kể thứ nhất, tác giả đã thể hiện một giọng điệu cảm thông, thương cảm, yêu thương sâu sắc đến nhân vật trên trang sách; cũng như cách ông từng dành tình thương yêu vtới những Giăng-van-giăng, Phăng-tin hay Quasimodo…
Tiếp nhận Ngày cuối cùng của một tử tù qua bản dịch của Nguyễn Mạnh Hùng tại Việt Nam
Ngày cuối cùng của một tử tù cuốn tiểu thuyết có dung lượng ngắn nhất trong sự nghiệp Victor Hugo. Nhưng ngắn gọn không có nghĩa là thiếu chiều sâu hay thiếu đi sức nặng vĩ đại. Tác phẩm ấy, chính như một bài ca xúc động về tình đời, tình người, về tinh thần nhân đạo, về tình yêu đời, yêu con người tới quặn thắt. Ở cuốn sách này, Victor Hugo không nhằm phán xét tội lỗi của những ai mang tội mà chỉ hướng đến giá trị nhân văn: mọi sinh mạng đều đáng quý, và con người, ai cũng có một lòng khao khát được sống là một con người toàn vẹn.