Trong khung cảnh đen trắng ảm đạm của nạn đói năm Ất Dậu 1944 – 1945, “Vợ nhặt” hiện lên như vài nét chấm phá nhợt nhạt mà ấm áp, là hơi ấm của tình người, là khát khao được sống, là hy vọng về một tương lai tốt đẹp nơi lá cờ đỏ của Việt Minh bay phất phới… Tác phẩm là áng văn chương hiện thực mà hết sức nhân đạo của cây bút truyện ngắn vững vàng Kim Lân.
Tác giả chia sẻ:“Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người.”
“Vợ nhặt” được thai nghén ngay sau Cách mạng tháng Tám bùng nổ nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Khi hòa bình lập lại năm 1954, Kim Lân dựa trên cốt truyện cũ để viết lại tác phẩm này, về sau in trong tập truyện ngắn “Con chó xấu xí” xuất bản năm 1962.
Người làm nên tên truyện, lại không có tên.
Năm 1944 – 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào hồi kết. Ở Việt Nam, phát xít Nhật tìm cách hất cẳng thực dân Pháp, tăng cường kế hoạch xâm chiếm, bóc lột nhân dân ta nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh của chúng.Ngăn sông cấm chợ, nhổ lúa trồng đay, cưỡng chế thu mua lúa gạo… những chính sách vơ vét, bóc lột vô cùng tàn bạo của phát xít Nhật đã dẫn đến nạn đói trầm trọng, tàn khốc nhất lịch sử Việt Nam, khiến cho hơn 2 triệu đồng bào ta chết đói, và hệ lụy vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Trong cái đói khủng khiếp xảy ra tràn lan khắp nơi, người chết như ngả rạ, người sống vật vờ như những bóng ma, trước cửa nhà kho thóc liên đoàn (một tổ chức chuyên thu mua thóc cho Nhật hồi trước Cách mạng Tháng Tám 1945), hắn và thị gặp nhau.
Hắn – anh cu Tràng ế vợ, nghèo khổ, xấu xí, thô kệch lại có chút dở hơi, làm nghề kéo xe bò thuê và sống với mẹ già gọi là bà cụ Tứ.
Thị – cô gái không tên, không tuổi, không gia đình, không quê quán – một trong những người ngồi vêu trước cửa kho thóc, có lẽ là nhặt hạt rơi vãi, có lẽ là trông chờ một cơ hội việc làm mong manh nào đó.
Lần thứ nhất gặp nhau, Tràng hò một câu chơi cho đỡ nhọc, thị lon ton chạy lại đẩy xe cho hắn, với cái điệu bộ cong cớn, liếc mắt, cười tít, thị nom có vẻ vẫn còn sức sống lắm.
Lần thứ hai gặp nhau, thị sầm sập chạy tới, đứng trước mặt hắn mà sưng sỉa bảo hắn điêu. Lần này thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, gầy sọp hẳn đi. Than ôi! Cái đói, rách, nát hiện hữu trên khuôn mặt lưỡi cày của thị – xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt. Tràng mời thị ăn, thị ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc, rồi theo hắn về nhà.
Thế là kết duyên kết nợ với nhau.
Vợ nhặt hạt rơi vãi. Tràng nhặt vợ.
Một cuộc hôn nhân kỳ lạ, hiếm có, ngỡ như đùa mà có thể khiến người đọc đau lòng đến rấm rứt.
Hơi ấm của tình người.
Dân gian có câu “bần cùng sinh đạo tặc” nói về những hành vi vượt ngoài lằn ranh đạo đức, pháp luật và có thể cả nhân tính khi con người rơi vào cảnh khốn cùng. May mắn thay, trong xóm ngụ cư theo gió thoảng khét lẹt mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết vì đói, Kim Lân vẫn gửi gắm nhân vật của mình tình người và lòng yêu thương.Cái đói không chừa nơi nao, cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào.
Giữa cái thời buổi mà ai ai cũng đói, có lẽ sẽ là ngốc nghếch khi trong nhà còn không đủ ăn lại đi đèo bòng thêm một người. Ấy vậy mà Tràng vẫn mang thị về. Người trong xóm đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán, hình như họ cũng hiểu được đôi phần, biết là khó mà nuôi sống nhau qua cái tao đoạn này, nhưng những điều đáng lo lắng ấy không ngăn nổi niềm yêu thương dâng lên trong lòng họ:
“Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ.”
Còn Tràng nghĩ gì khi mang thị về?
“Chặc, kệ!”
Đơn giản là một chữ liều. Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà mà hắn dắt theo. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng. Tràng mơ về một gia đình hạnh phúc, ở đó hắn hoàn thành trách nhiệm của một người con, người chồng, người cha.
Những suy nghĩ không đầu đuôi, không chủ đích, bởi vậy mà chân thực, trần trụi, bộc lộ một tâm hồn đôn hậu, chất phác chứa đựng tấm lòng trong veo veo của con người biết cưu mang, đùm bọc và yêu thương con người.
Hơi ấm tình người ở bà cụ Tứ dường như được nâng lên một tầm cao mới. Đó là sự đấu tranh nội tâm của một người mẹ nghèo thương con. Vừa ai oán. Vừa xót thương. Ai oán cho kiếp bần hàn cơ cực này. Xót thương cho con trai và cả con dâu. Người ta dựng vợ gả chồng cho con lúc trong nhà ăn nên làm nổi. Còn mình thì, không biết chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?
Thương ôi!
Cũng chính bà lão sống cả một cuộc đời cực khổ dài dằng dặc ấy đã trao yêu thương và gieo vào lòng những con mình niềm tin về cuộc sống, trong bữa cơm cháo nghèo vẫn mong mỏi sự tốt đẹp hơn ở tương lai.
Niềm khát khao được sống.
Một mối se duyên truyền thống của người Việt Nam thường bao gồm lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ xin dâu, lễ rước dâu, lễ lại mặt cùng với bao la là những của hồi môn và sính lễ… Vậy cái giá một người vợ của Tràng bằng bốn bát bánh đúc thì có rẻ mạt quá không?Dường như không ai cảm thấy thị rẻ mạt cả, chỉ thấy thương thị thôi, thương đến tận cùng.
Theo báo Pháp Luật, mục Xưa & Nay, nạn đói năm Ất Dậu đã khơi dậy cả một chuỗi những nỗi thống khổ, như một chứng nhân nước ngoài thuật lại:
“Họ ra đi theo từng gia đình thành một hàng dài vô tận, người già, trẻ em, đàn ông, đàn bà, còng người xuống trước nỗi khổ đau, toàn bộ xương run rẩy, trần truồng, cả những cô gái trẻ ở vào cái tuổi mà thường sự thẹn thuồng không cho phép phơi bày thân thể, thỉnh thoảng dừng lại đề vuốt mắt cho một người thân trong gia đình hoặc để gục xuống và không bao giờ trỗi dậy nữa, hoặc để lột từ người chết một mảnh bao bố rách nát chẳng biết vì sao vẫn còn phủ lên người anh ta.”
Thị có lẽ long đong từ đoàn người ấy rồi trôi dạt về phía kho thóc, gần xóm ngụ cư của Tràng. Trong cái đói, cái rách nát làm người ta không biết giấu da thịt vào đâu, lương thực đối với họ chỉ là lá cây và rêu không tạo ra năng lượng cho cơ thể, thì hành động theo Tràng của thị chỉ là khát khao tột bậc để được tồn tại trên cõi đời này.
Thị vẫn muốn sống, sống cho ra con người.
Thị đánh liều mà theo hắn về nhà. Liều chứ, người lạ mà, ai biết được đó là một gã vũ phu hay một tên buôn người. May cho thị là được gặp Tràng – tuy có xấu trai tí mà thật thà, đôn hậu.
Tình thương yêu không điều kiện của mẹ con Tràng biến thị từ một người đàn bà chao chát chỏng lỏn, trở thành một người con, người vợ hiền dịu, đảm đang. Cuộc đời họ va vào nhau giữa tao đoạn nghèo đói cùng cực, không có gì cả, chỉ có tình người.
Ánh sáng cách mạng mở ra hy vọng về tương lai cho người dân.
Trong bối cảnh nhân dân chịu “một cổ, hai tròng” dưới ách đô hộ của thực dân phát xít, với chính sách vơ vét, một đằng thì bắt trồng đay, một đằng thì bắt đóng thuế, đẩy người Việt Nam vào đường cùng, nhà văn Kim Lân đã để ngọn đèn Việt Minh chiếu rọi ở cuối tuyệt lộ ấy.“Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy.”
Giữa bữa cơm chỉ có độc một lùm rau chuối thái rối, một đĩa muối ăn với cháo lõng bõng, cùng nồi cháo cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ… Tin tức của thị mang đến niềm hy vọng cho cả nhà, trong bóng hình đám người đói có phất phới lá cờ đỏ, có rộn ràng hai chữ Việt Minh.
Nỗi trăn trở, tấm lòng nhân đạo và cả một trái tim hướng về cách mạng đã khiến ngòi bút Kim Lân dựng nên một truyện ngắn vào hàng danh tác của văn học Việt Nam.
Đôi nét về nhà văn Kim Lân.
Kim Lân (1920 – 2007) tên thật là Nguyễn Văn Tài, một bậc tài hoa của làng Chợ Giàu thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.Sinh thời, nhà văn Nguyên Hồng từng nhận xét về người bạn văn của mình:
“Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thuỷ của cuộc sống nông thôn.”
Nói không ngoa rằng câu nói trên như lời “truyền thần”, bởi ngòi bút Kim Lân luôn chung thủy với làng quê Việt Nam mảng hiện thực, từ không khí tiêu điều ảm đạm ở nông thôn, đến đời sống lam lũ vất vả của dân nghèo, hay cả những thú vui sinh hoạt văn hóa truyền thống như đánh vật, chọi gà, thả chim…
Kim Lân viết không nhiều, chỉ sáng tác trong giai đoạn 1941 – 1962, nhưng đa số đều là tác phẩm có giá trị lớn. Ngoài viết văn, Kim Lân còn tham gia đóng phim và kịch, gắn bó với những vai diễn ấn tượng để đời: Lão Hạc trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, Lý Cựu trong phim “Chị Dậu”, cụ lang Tâm trong phim “Hà Nội 12 ngày đêm” … Và cả vai Đổng Kim Lân trong tuồng “San Hậu” – cũng là nguồn gốc bút danh của nhà văn.